Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Tự Truyện

Tôi ra đời từ một cánh rừng gỗ bạt ngàn tại miền trung đầy nắng gió . Người có công thiết kế và chế tạo nên tôi là một bác kĩ sư làm việc đã lâu năm tại xưởng Canh Tân, một xưởng chuyên sản xuất và cung cấp bút chì và giấy viết. Sau cả ngày cặm cụi mày mò vẽ kiểu, lựa chì, bác cho tôi ra đời với mục đích để làm quà cho cậu con trai do bác một tay nuôi nấng từ khi mẹ cậu qua đời lúc cậu còn nằm trong nôi, và nay đã lớn và vừa tốt nghiệp cữ nhân ngành báo chí và thông tin .

Tôi may mắn được ra đời với một sắc vóc vô cùng nỗi bật giữa đám đông cho dù tôi có bị lẫn giữa những anh chị bút máy hàng hiệu đến từ những thủ đô văn minh như Ý Đại Lợi hoặc kinh đô ánh sáng Paris đi nữa thì tôi cũng dễ dàng bắt mắt người đối diện. Ruột của tôi được dùng một loại chì mầu đen đậm và chất lượng đặc nhất. Tôi có hình dáng thon và dài như các bạn thấy đại đa số họ hàng nhà bút chì chúng tôi vẫn thế. Nhưng điểm khác biệt của tôi là thân mình tôi không tròn như họ, mà nó hơi dẹp, nhìn nghiêng trông giống như một thanh kiếm. Tôi cũng không đội cục gôm ở trên đầu như đa số bọn bút chì thời nay . Lớp áo bên ngoài của tôi được sơn những đường thẳng màu huyết dụ cùng với những đường sọc đen xen kẽ như chiếc đai thắt lưng của một vị kiếm sĩ. Có lẽ người cha muốn dùng tôi để chuyển lời nhắn nhủ đến cậu con trai rằng, "Bút cũng như kiếm. Nếu không biết dùng nó sẽ trở thành kẽ hủy hoại."

Đấy là câu chuyện về lý do và nguồn gốc của sự xuất hiện của tôi . Thế nhưng thật đáng tiếc, cuộc đời tôi không bước theo những đại lộ suông xẽ đễ có thể chu toàn những ước mơ cao đẹp mà người chế tạo ra tôi hằng mong muốn đâu bạn ạ. Số là lúc tôi vừa được mặc lớp sơn veneer cuối cùng và được đặt ngay ngắn trên vị trí thoáng đãng để đợi lớp áo khô, thì ông chủ xưởng Canh Tân ghé thăm xem xét công việc làm ăn của xưởng. Kết quả là ông ta trông thấy tôi và đòi đem tôi về làm vật sở hửu, và từ đó cuộc đời tôi sang trang.

Nằm trong túi áo của ông chủ Canh Tân, tôi được đi dạo quanh tất cả các cơ sở làm ăn của ông ấy trên chiếc xe hơi đời mới bóng loáng, có chổ ngồi bằng da mát rượi, với dàn âm thanh tối tân và có cả tủ lạnh để chứa rượu vang trắng và nước trái cây . Ông quả thật là một người có óc kinh doanh, có tài tổ chức và có số lượng gia sản vô cùng đồ sộ. Bên cạnh xưởng Canh Tân, ông còn có xưởng Đời Mới chế tạo vải lụa và quần áo giày dép, cửa hàng Hoàng Kim thầu kinh doanh vàng bạc và kim cương với uy tín lâu năm vẫn luôn dẫn đầu thị trường về nhãn hiệu. Bên cạnh đó ông còn là chủ của đa số đất đai và địa ốc của những khu thương mại lớn nhất trong nhiều thành phố.

Ông chủ không bao giờ dùng tôi để viết, mà bắt tôi phải làm những chuyện tôi chẳng hề muốn chút nào, như là để đục thủng cái bì thư dày cộm, hoặc đánh dấu mấy loại hàng hóa ông không ưa, hoặc có lúc bất đồng với ai đó trên điện thoại, ông cầm đầu tôi nhấn mạnh xuống bàn như đang trút cơn giận dữ lên tôi. Sau một ngày dài ngoằng với những công việc tôi chẳng gì hứng thú, ông chủ đưa tôi về nhà, và cuộc đời tôi bắt đầu sóng gió.

Việc đầu tiên là bà vợ phốp pháp với làn phấn dầy cộm trên khuôn mặt lao vào phòng và thẩy lên mặt ông chủ một xấp giấy tờ. Hai người cấu xé nhau bằng những lời mạt sát tệ hại nhất. Bà ta xô và đấm đá túi bụi lên mặt ông. Ông cũng không vừa tát lên mặt bà vài phát tóe lửa. Bà lùi lại một bước và lấy đà xô ông một cú như trời giáng xuống nền nhà rồi bà quay lưng bỏ đi. Ông nằm đó ôm ngực. Hình như ông bị lên cơn trầm trọng vì bệnh tim. Tôi không rõ, nhưng hôm nọ ở xưởng Canh Tân, tôi đã có nghe loáng thoáng đám thợ truyền miệng với nhau về bệnh tình và gia cảnh bất hòa của ông chủ như thế.

Trước lúc qua đời ở phòng cấp cứu của bệnh viện, ông chủ dùng tôi để viết lại lời nhắn cho hai đứa con của ông. Thằng con lớn của ông đọc xong lời trăn trối của cha, nó tức tối vo miếng giấy có nét chì của tôi và quẳng xuống đất với khuôn mặt giận dữ. Nó giận cũng phải, vì ngoài anh em nó ra ông còn tới 6 đứa con khác bên ngoài để cùng phân chia tài sản . Đứa con gái thì ngồi im cặp mắt lờ đờ không cảm xúc. Có lẻ nó đang thăng cao vì thuốc phiện. Y tá đi vào đưa cho đứa con gái gói vật dụng ông mang theo trong người khi qua đời, trong đó có tôi.

Từ hôm đó, tôi theo về ở chung trong căn phòng bề bộn của đứa con gái luôn say xỉn bên cạnh những bao thuốc trắng. Ngày ngày nó đàn đúm với lũ con traị Có khi dẫn dăm ba đứa vào phòng giở trò xàm sỡ với nhau rồi cùng nhau thăng - get high . Một hôm mẹ nó ghé vào phòng trong lúc nó xay bí xỉ. Bà ta để lại một xấp tiền trên đầu giường và mượn tôi viết vài dòng cho nó, "Mẹ đi vắng, con ở nhà tự lo liệu ."

Lúc nó tỉnh lại, nó đọc dòng chử của mẹ nó một cách dửng dưng, rồi nó cầm tôi lên ngắm nghía . Nó muốn viết xuống một điều gì đấy, nhưng nó cứ viết được vài chử lại xóe toạc tờ giấy vất xuống đất và ôm mặt khóc rưng rức . Tôi muốn giúp nó viết ra những điều ứ đọng trong tâm hồn của một đứa con gái 16 tuổi đầy u uẩn, thế nhưng nó chẳng khi nào tỉnh táo để cần đến tôi, hoặc là ít nhất lắng nghe tôi .

Thế rồi nó lại lên cơn nghiện . Vơ được tôi, nó đưa lên mủi hửi hửi và thất vọng quẳng tôi xuống nền nhà vì tôi không thơm như bạch phiến. Nó lôi tiếp những bao thuốc trắng ra vừa hít vừa chích thẳng vào cánh tay. Nó cứ làm như thế liên tục cho đến khi nó té xuống đất, và cơ thể giựt lên liên hồi. Cuối cùng, việc gì đến cũng đã đến, nó trút hơi thở cuối cùng và nằm cứng đơ bên cạnh tôi .

Ngày đưa đám tang, mẹ nó khóc tấm tức, như bất cứ bà mẹ nào khóc con . Nhưng rồi sau đó bà cũng cho người dọn dẹp phòng nó sạch sẽ để bán lại căn biệt thự xinh đẹp cho một người quen .

Sau khi bà chủ cũ dọn đi, tôi bị người dọn dẹp vô ý làm rớt lại trong phòng. Người chủ mới là một bà giàu có với một đứa con trai bị tàn tật. Thằng con trai được sắp xếp ở trong căn phòng tôi đang ở . Thằng bé 14 tuổi nhưng lúc nào cũng cười khanh khách với khuôn mặt ngô nghê . Nó vớ được tôi tưởng là đồ ăn và đưa lên miệng cắn thử . Cắn không được nó quăng tôi lên tường và nằm lăn xuống sàn nhà giãy đần đật và kêu gào thảm thiết . Mẹ nó ở ngoài lao vào ôm nó vào lòng vừa khóc vừa đay nghiến cha nó, kẻ đã phụ bạc mẹ con nó để đi lấy người đàn bà trẻ đẹp và có thể sinh cho ông ta đứa con trai lành lặn hơn . Bà đay nghiến và chửi rủa chán rồi thì đứa con cũng lăn quay ra ngủ . Bà sực nhớ ra điều gì vội vàng chạy lao về phòng . Vừa bước ra cửa bà dẫm phải lên tôi, thế là bà nhặt tôi lên đem về phòng bà .

Ở phòng bà đã có một người đàn ông đang nằm chờ sẳn . Ông hỏi bà đã quyết định cho chuyện hợp tác làm ăn của hai công ty họ chưa ? Bà bảo bà cần phải tính toán thêm . Thế rồi bà lôi ra một cuốn sổ chi chít những con số khổng lồ ra và bắt tôi ghi lên đó những phép cộng trừ nhân chia . Ghi một hồi bà nỗi cáu vì cho rằng tôi lề mề chậm chạp . Bà lôi ra cái máy vi tính hiện đại và tiện tay quăng tôi ra ngoài cửa sổ không quên kèm theo những câu chửi rủa, "Thời đại này ai còn dùng ba cái cây bút chì quái này nữa ."

Thế là tôi từ giã ngôi biệt thự xinh xắn và sang trọng mà tôi đã tá túc gần một năm trời mà chẳng hề vơi đi số lượng chì nào . Thân thể tôi bị cú thẩy của người đàn bà kia rơi xuống đất cái ạch và lăn vào góc vĩa hè bên dưới đường . Cách đó 5 gang tay có một cậu bé đánh giày đang nàm co ro . Nghe tiếng động, cậu ta ngóc đầu dậy ngó tôi một cách thờ ơ, rồi nằm trở lại tư thế cũ . Tôi nghe rõ mồn một bụng cậu ta đang đánh trống . Tôi bèn làm quen:

- Thế nào ? Sao cậu không nhặt tôi đến nằm chung với cậu cho có bạn ?

Cậu bé trả lời trong nỗi bực dọc:

- Tôi đói lắm . Không rảnh đâu mà chơi với ông .

Tôi cũng lì lợm:

- Nhưng ít ra cậu cũng nhặt tôi lên đã chứ ? Biết đâu tôi lại đáng giá cái bánh cho cậu lót bụng ?

Nghe cũng xuôi tai . Thế là cậu ta nhặt tôi lên . Dưới ánh đèn đường lờ mờ hắt bóng trên bức tường trắng tinh của ngôi biệt thự, cậu ta tinh nghịch dùng tôi để vẽ lên đấy một miếng thịt nướng thơm phức mùi ngũ vị hương và béo ngậy mùi hành tỏi . Thêm một tô phở bò viên nước trong veo tỏa nồng mùi ngò gai và húng quế . Cậu nuốt nước bọt ừng ực . Còn gì nữa nào ? À cậu nhớ ra rồi . Cậu thèm một bình sửa trắng phau . Sửa mẹ hay sử bò gì cũng được . Từ nhỏ đến giờ cậu chưa từng được nếm qua mùi vị sửa tươi . Thỉnh thoảng, trông thấy những đứa bé vòi vỉnh không chịu bú sửa được bà mẹ của chúng ỉ ôi năn nĩ mà nước miếng cậu chảy dài và mắt cứ cay cay . Nghĩ đến đây, cậu buồn quá không thèm vẽ nữa, và nằm lăn xuống đất nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ . Nằm bên cạnh, tôi cũng buồn không kém . Lần đầu tiên trong đời tôi hình dung được nỗi buồn rõ rệt của con người .

Sáng hôm sau mặt trời chưa ló dạng chúng tôi đã thức giấc vì những chuyến xe và những người buôn bán sớm . Cậu bé bỏ tôi vào chiếc hộp đồ nghề bằng gỗ và kéo tôi lê la khắp các nẽo đường với tiếng mời hàng lảnh lót . Thời bây giờ tìm được một người muốn đánh giầy còn khó hơn tìm kim dưới đáy hồ . Ở những khu nhà nghèo thì họ không có tiền để mua giầy da và lại càng không có tiền để đánh bóng tân trang . Còn ở những khu nhà giàu thì họ có bảo vệ xua đuổi không cho cậu bén mảng tới . Nhưng cho dù cậu có lọt vào bên trong những khu đó đi chăng nữa cậu cũng không thu hoạch được gì . Mode giầy thời nay thay đổi liên tục . Giầy chưa kịp bẩn đã bị lổi thời . Những người nhà giầu thì họ chẳng dùng những thứ lỗi thời .

Cậu ta tỉu nghỉu đi hết hang cùng ngõ hẻm . Cuối cùng, cậu đến trước cửa nhà ông giáo già, và đứng thật lâu trước cửa đợi ông . Có lẻ ông là vị khách hàng lâu năm và trung thành nhất của cậu . Ông có một đôi giày da màu đen đã sờn và đã cũ . Nhưng mỗi lần gặp nó ở đầu ngõ, ông đều nhờ nó đánh hộ . Trong lúc đánh giày, ông hay hỏi han về gia đình nó . Nó nói dối với ông nó đi đánh giày để phụ giúp cha mẹ nuôi mấy đứa em . Thật ra nó không có anh em hay cha mẹ gì cả . Với thân phận mồ côi nó sợ ông đánh giá nó và không muốn tiếp xúc với nó nữa . Hôm nay có lẻ ông giáo bệnh không ra ngoài và cậu ta đành lủi thủi trở về với cái bụng đói meo mà cả ngày chỉ húp toàn những tô thức ăn thừa thải ngoài chợ .

Nó trở về chổ cũ hôm qua tôi và nó gặp nhau và lôi tôi ra khỏi hộp gỗ . Chắc có lẽ nó định bụng vẽ một món ăn gì nữa đây ? Tôi liền hất hàm thách thức nó:

- Này, cậu cứ vẽ ở đây không phải là cách đâu .

- Vậy làm gì ?

- Biết viết chử không ?

- Không .

- Vậy cậu tên gì ?

- Minh .

- Viết tên Minh xem ?

- Không biết viết .

- Thế thì cậu phải bắt đầu tập viết từ cái tên .

Cậu ta nỗi cáu:

- Tôi đói lắm rồi, không rảnh viết tên đâu .

Tôi cũng định bụng bắt đầu giữ im lặng và không thèm nói chuyện với cậu ta nữa . Nằm không một lúc chán, cậu ta quay qua tôi:

- Thế, tôi phải viết chử Minh như thế nào ?

- Thì cậu cứ cầm tôi lên và thử đi .

Cậu ta cố nhíu mày moi trong trí nhớ ra chử Minh mà đã có lần có ai đó đã dậy cậu . Cả buổi tối cậu lẩm nhẩm:

- Em mờ viết thế nào nhỉ ?

Sáng hôm sau người ta lại thấy những chử viết nghệch ngoạc rơi rớt đầy trên nền xi măng và trên bức tường trắng .

Từng đêm như thế trôi qua dưới bầu trời đầy sao . Tôi nằm thủ thỉ với cậu về cái gì gọi là mơ ước . Tôi kể cho cậu nghe về những thế giới kì lạ trong cả kho tàng ngôn ngữ mà cậu không cần phải đi đâu xa để khám phá . Chúng nằm trong những cuốn sách trên những kệ gỗ ở cửa hàng sách mà ngày ngày cậu đi ngang qua . Tôi kể cậu nghe về những cuốn phim hoạt hình sống động được chiếu trên những chiếc màn hình TV rộng lớn trong cửa tiệm mà ngày ngày cậu vẫn đứng ngẩn người ra xem ké . Tất cả những câu chuyện, những hình ảnh ấy bắt đầu từ những giấc mơ . Một giấc mơ đẹp chính là bức thông điệp gởi gấm đến con người lòng đam mê, sự can đảm, và ý chí phấn đấu để vươn lên .

Khi đêm đã về khuya, cậu quay qua hỏi tôi:

- Thế thì tôi phải làm gì để nắm bắt những giấc mơ đẹp ấy ?

- Câu hỏi tuyệt vời . Tất cả mọi giấc mơ được bắt đầu diễn đạt từ những ngòi bút . Cậu đã có giấc mơ trong tay rồi, bây giờ vấn đề chính là cậu phải biết cách sử dụng tôi để biến giấc mơ đó thành sự thật đấy cậu bé ạ .

Dưới bóng tối mờ ảo của đêm đen, cậu bé chợt vùng ngồi dậy và dùng tôi vẽ lên bức tường những ngôi sao đang lấp lánh như một sự quyết tâm .

Hôm sau nó dậy thật sớm và không đi đánh giầy nữa . Nó đi lượm chử . Nó đến nhà ông thầy giáo và lấy hết can đảm bước thẳng vào nhà . Nó nói cho ông biết sự thật nó là đứa bé mồ côi và nó muốn được học viết chử . Ông ngỡ ngàng nhìn nó một hồi rồi hỏi nó:

- Con muốn học chử gì ?

Nói trả lời:

- Con muốn bắt đầu bằng chử Minh .

Ông giáo cho nó một cuốn tập cũ kĩ và mỗi ngày nó hỏi ông một vài chử rồi sau đó tôi và nó cùng nhau ngồi nắn nót tập viết trước cửa tiệm sách lớn nhất thành phố . Tập viết xong nó rủ tôi vào bên trong xem hình trên những cuốn tạp chí và tập đọc những chử cái đã bắt đầu quen thuộc .

Tôi chỉ cho nó rất nhiều điều tôi đã biết bắt đầu bằng những câu hỏi:

- Tại sao ? và làm thế nào ?

Thời gian trôi qua, cậu bé giờ đây đã trưởng thành và đã là một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm với những dự án sáng tác vĩ đại cho những toà thị sảnh ở ngay trung tâm thành phố lớn . Trong hộp dụng cụ đồ nghề của cậu chứa vô số những cây viết đắt tiền với những đường nét đầy sáng tạo sơ khởi mà những hợp đoàn hoặc cá nhân đối tác đã gởi tặng . Cậu cứ tiến xa và tiến cao hơn mãi với muôn ngàn mơ ước, mơ ước do chính cậu tạo ra và nắm bắt mơ ước của người khác, rồi chuyển đạt chúng thành sự thật qua những nét vẽ kì diệu .

Một buổi chiều đầu mùa hạ . Tôi lại nằm trong túi áo của người kiến trúc sư già tóc đã bạc mầu hoa râm . Ông đi đến dự lễ ra trường của đứa con trai sắp tốt nghiệp tiến sĩ luật . Ông đặt tôi vào trong tay nó và nói:

- Cây bút này vô cùng cũ kĩ, nhưng nó là vật quí nhất trong đời cha .

Rồi ông đứng lui về phía sau, khoanh tay, ngắm đứa con trai và mỉm cười . Cuối cùng, tôi cũng đã làm tròn bổn phận và sứ mạng, đó là nhắn gởi bức thông điệp và niềm tự hào của người cha đến với người con .

(July 4, 2008)
Pensee

Nắng đỏ

Hôm nay bầu trời âm u. Nắng hầm hầm mầu đỏ úa tan loảng trên sân. Phải, cái nắng, cái gió, cái hầm hầm oi bức này gợi cho tôi nhớ về bà ngoại. Ngày tôi còn bé, tôi quấn quýt bên bà không lúc nào ngơi . Những ngày trời như thế này bà thường đưa tay vuốt vuốt cái khăn xoa quấn mái tóc cắt ngắn trên đầu rồi thở dài, "Giời thế này y cái tết mậu Thân."

Những ngày như vậy bà thường lấy trầu ra nhai. Tôi rất thích ngồi bên cạnh những lúc bà chuẩn bị nhai trầu. Tôi sẽ có dịp nghịch ngợm với cái hủ vôi hồng và những trái cau non bà bổ làm bốn. Rồi bà sẽ nhờ tôi tước hộ cái vỏ màu xanh. Bà têm tí vôi, quấn quanh lá trầu rồi bỏ vào miệng. Miếng trầu bà nhai được một lúc thì nó đổi ra màu đỏ ua úa như màu gạch trộn với màu rượu vang đỏ. Khi ấy tôi thường thấy khóe mắt bà ngân ngấn nước. Bà đưa tay quẹt quẹt đôi mắt và nhổ miếng trầu cái tuẹt vào cái gốc nho bên trái vườn sát chổ bà ngồi, rồi bà lại têm cái trầu khác. Bà tôi hay có những khoảng khắc buồn vui ưu tư như thế trong những ngày thời tiết đổi thay.

Bình thường bà là một người mau mắn, tháo vát và rất chăm chỉ làm lụng . Bà hay dùng con dao con rọc mỏng những ống tre lấy dây lạt, rồi bà sẽ đan thành những chiếc rá con con dùng để ươm cây hoặc để dùng vào bất cứ công việc gì nhà nông có thể dùng tới. Những trưa hè thường chỉ có ba bà cháu tôi ở nhà. Bà thường bảo tôi lấy truyện ra đọc cho bà nghe. Bà là người đơn thuần. Tâm hồn bà chân chất như đám mạ xanh, như đám lúa vàng ngoài nương ngoài ruộng. Bà chẳng có những kho tàng cổ tích như những người bà khác. Thỉnh thoảng bà ngắt quãng tôi ở những đoạn tôi đọc không rõ, hoặc bà hiểu không rõ:

- Thế, có con Vân nhà chị Kím trong ấy nữa à?

Tôi lăn ra cười rũ rượi:

- Bà ơi, cái chử đó là "vân vân... và vân vân" ... có nghĩa là còn nhiều nữa, chứ không phải là con Vân.

Bà gật gù:

- À...

Một bà, một cháu. Một già một trẻ. Một chưa học qua một trường lớp nào. Một chỉ học đến lớp ba lớp tư . Thế mà họ ngồi bên nhau trưa này qua trưa khác không biết bao nhiêu buổi trưa hè. Lúc bà buồn, bà vui, bà thủ thỉ. Khi cháu hư, cháu bướng bỉnh, cháu giận bà. Có ngày bà cháu giận nhau không nói chuyện. Thế rồi lại làm lành. Bà dỗ cháu, cháu dỗ bà, cứ như đôi trẻ con vừa mới lớn.

Thế mà bà thương tôi lắm. Những lúc tôi lì lợm bị bố phạt quì góc tường, bà len lén lại nịnh bố, và nói bâng quơ đủ cho cả hai cùng nghe:

- Bố tha cho rồi đấy, hứa với bố lần sau thì chừa rỗi.

Mặc dù tôi không đủ can đảm để nói rằng tôi "chừa" bà vẫn trả lời hộ tôi:

- Rồi, con nó hứa chừa rồi. Bố tha cho nó nhá!

Thế rồi tôi len lén đứng dậy lẻo đẻo lủi sau lưng bà. Mẹ tôi mà thấy thế thì chỉ lãi nhãi nói với theo:

- Cháu mà hư là tại bà đấy.

Bà xa quê hương Phát Diệm có cái chợ Bùi Chu của bà đã ngót nghét mấy chục năm. Ấy mà bà nhớ như in từng chi tiết. Đình làng. Bờ ao. Bà nhớ cả họ tên từng cố nhân, từng người trong gia phả họ tộc. Nhớ quê hương, bà thèm ăn bánh đúc. Mỗi lần hàng xóm có ai đi chợ nhân thể ghé mua hộ bà gói bánh đúc và gói mắm tôm màu đỏ tím. Vắt thêm tí chanh, tí đường. Ăn mãi rồi tôi bị nghiện món bánh đúc . Ngày nào tôi cũng hỏi "bà ơi, hôm nay có ai đi chợ mua bánh đúc không hở bà?"

Bà là cả tuổi thơ của tôi. Tuổi thơ nhẹ nhàng và không có nhiều để kể về bà. Thế nhưng bà chiếm ngập cả tâm hồn tôi. Trong tim tôi và cả trong giấc mơ của tôi lúc nào cũng dấy lên hình ảnh bà. Cả những kĩ niệm của bà cũng làm tim tôi nhói lên những mủi kim . Như là bầu trời với cái mầu nắng đỏ hôm nay. Bổng dưng mà mắt tôi lại ngân ngấn nước.

Pensee

Cali - Quê người, quê tôi.

Tối hôm qua 2 vợ chồng đi ăn bò 7 món. Ăn xong 2 đứa ghé vào quán chè mua 2 đứa 2 ly chè sương sa hạt lựu và chè thập cẩm ngồi ăn ngắm ông đi qua bà đi lại. Quán chè đông khách, hết người này đến người kia cười nói huyên thuyên làm không khí lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Xong quán chè chúng tôi đi qua tiệm sách Borders ngồi đọc sách uống cà phê. Bàn bên cạnh có một nhóm mấy cô chú lớn tuổi ngồi truyện trò 1 cách rôm rả. Tự dưng tôi cảm thấy một điều gì đó hết sức gần gủi với họ. Tôi cười theo những câu chuyện tếu ông chú nào kể bên bàn bên đó . Trên đường về, tôi nói với T, "Nếu mình chuyển đi nơi khác không có người Việt, chắc buồn lắm nhỉ?" Ống trả lời không cần do dự, "Yup".

Ngày tôi chuẩn bị hành lý, gồm 2 cái suitcases đựng mấy bộ quần áo và vài cuốn sách để lên đường từ đông sang tây, chị tôi đã năn nĩ tôi ở lại, "ở bên đó không có ai, lỡ có chuyện gì." Nhìn chị buồn, tôi cũng buồn. Nhưng tôi phải đi. Cái chân tôi là chân đi. Tôi hứa với chị chỉ đi một năm thôi rồi, "Năm sau em về."

Tôi đến Cali với chiếc vé máy bay có khứ hồi giá chưa tới hai trăm đồng. Thành phố hôm ấy đang vào mùa xuân. Lá hoa cây cỏ còn xanh mướt. Những sườn đồi trãi đầy hoa cỏ vàng. Hàng quán đầu tiên tôi ghé ăn là quán bún bò huế trên đường Senter. Nó vừa bẩn vừa nhỏ hẹp như 1 hàng quán nhỏ ở Việt Nam. Tôi làm một lúc 15 chén bánh bèo và thêm một tô mì quảng. Chẳng biết có phải vì đói hay vì món ăn hợp khẩu vị. Có lẻ cả hai.

Ban đầu tôi ở tạm nhà người quen. Sau tôi mướn phòng ở một gia đình cô chú nọ. Họ ngăn gian nhà ra làm hai dãy. Dãy đàng sau gồm 2 phòng thông ra sân sau dùng để cho mướn. Gian phòng này có lối đi riêng bằng cổng sau. Cô chú này rất tốt bụng. Ban ngày tôi đi làm, họ vào dọn dẹp nhà tắm bồn rửa và phòng bếp luôn cho tôi cứ y như truyện cổ tích cô tiên trong tranh. Hễ tôi cần gì hỏi tin tức từ họ là họ giúp tìm luôn cho tôi. Sống ở đây, tôi có cảm giác như tôi đang ở nhà của cha mẹ tôi, ngoại trừ họ không canh chừng lúc nào tôi đi sớm về khuya. Mỗi tháng trả tiền nhà, họ muốn nhận tiền mặt thay vì nhận check. Tôi có thói quen đưa gởi cái gì cũng bỏ vào phong bì cho nó đúng phép tắc. Mỗi lần nhận, cô cứ cười xã lã, "trời, sao con bày vẽ chi cho tốn phong bì. Cứ đưa không cho cô được rồi." Cô nói thì nói vậy, nhưng thư từ của tôi gởi về hộp thư nhà cô, cô cũng gom lại và bỏ vào một phong bì lớn, đặt ngay ngắn trên góc cửa sổ phòng tôi. Thỉnh thoảng cuối tuần cô làm món gì đó. Thấy tôi cả ngày im ắng trong phòng, cô gõ cửa mời tôi ăn thử.

Cái thời gian đấy tôi rất buồn và cô đơn vì chưa có nhiều bạn bè. Người quen trong nhà thờ thì tôi chơi không hợp lắm, thành thử tôi cũng hạn chế liên lạc. Cuối tuần tôi thường nằm ở nhà mở cửa sổ nghe hàng xóm mở nhạc inh ỏi và tán dóc (hoặc đôi khi, chửi lộn) với nhau. Chán thì leo lên Internet viết nhăng viết cuội và đọc tin tức. Thời ấy cũng có nhiều forums, nhưng không hiểu sao tôi cũng chẳng bao giờ liên hệ với cá nhân nào trên thế giới Internet cả. Rảnh rỗi thì đọc hoặc mua cái này cái kia cho đến lúc chán thì tắt máy nằm ngó trần nhà suy nghĩ sự đời. Mà cái hay ở cái xóm tôi đang ở này là nhìn ngoài vào thì nó rất "ghetto" có nghĩa là xóm nghèo nàn và mất an ninh. Thế nhưng khi ở quen rồi thì nó y như cái xóm ở bên VN vậy. Thành phần cư dân ở đây đa số là Việt Nam và Mễ. Một căn hộ có thể có 7-8 chiếc xe đậu chen lẩn trước nhà. Điều này cho biết là căn hộ này chứa trên 5-7 người, có khi cả chục người không chừng.

Mấy căn nhà đối diện nhà tôi ở cứ vào buổi chiều chập choạng hoặc hai ngày cuối tuần là họ đồng loạt mở cửa garage. Trẻ nít đạp xe đạp và nô đùa chung quanh xóm. Đàn ông thanh niên 5-7 người chụm lại uống bia lai rai. Mấy anh Mễ bán sinh tố đi qua đi lại bấm chuông leng keng. Lúc đầu mới dọn về xóm này, tôi thấy sợ và khó chịu vô cùng. Nhất là mỗi lần tôi đậu xe và đi ra đi vô trước cổng. Mấy ông đàn ông thanh niên mấy nhà bên rất nham nhở. Họ luôn luôn gọi với theo đàn bà con gái, "Em ơi... em... đi đâu đó? Qua đây chơi với anh... " blah... Ở bên FL từ lúc lớn tới giờ tôi thật sự không quen với cái lối xàm sỡ vô duyên như vậy. Nhưng dần dần rồi họ mỏi miệng không gọi thường xuyên, và tôi cũng quen dần . Tôi nghiệm ra rằng sự nham nhở của họ cũng vô thưởng vô phạt, cũng chẳng hại gì mình. Ngược lại ngày nào tôi đi đâu về khuya mà thấy khu xóm yên lặng không có mấy ông này ngồi tán dóc thì tôi thấy cũng sợ. Sợ cướp sợ Mỹ đen, sợ đủ thứ... Nhưng quả thật, cái xóm xô bồ này vô cùng bình yên.

Sau hai năm thì tôi dọn vô ở chung với bác Hai. Bác Hai chẳng có bà con gì với tôi cả, nhưng tha hương ngộ cố tri, tôi quen bác rất tình cờ và 2 mẹ con bác muốn tôi dọn vô ở chung cho vui. Bác cũng coi tôi như con. Tôi thích ăn món gì, bác nấu món đó. Tôi thích ăn canh khổ qua, bò kho, hủ tiếu. Bác thường xuyên nấu những món đó cho tôi ăn. Có khi 1 tuần nấu 1 món 2 lần. Đến nỗi có ngày con ruột bác nó nổi cáu, "Tui nghĩ kiếp trước chắc má với nó là 2 má con quá!" Bác cười, "chắc vậy rồi" Có lẽ tại tánh tôi tào lao và không câu nệ. Có người thích có người không thích. Mà cũng kì, có người thương thì chìu luôn cả sở thích của tôi. Ngày ngày bác như người mẹ hiền, dọn phòng tắm, rồi xếp luôn quần áo mới giặt cho tôi.

Bác Hai thích coi phim bộ nhiều tập. Bác thường hay thắp nhang và cúng. Bác hay rãi gạo ra trước sân. Bác nói, "Để cho mấy vong hồn nó có đồ ăn." Thương người sống đã đành. Vong hồn mồ côi cũng thương luôn. Ôi, người phụ nữ miền Trung.

Mỗi lần có bộ phim nào hay, bác đợi tôi về, dọn thức ăn ra cho tôi ăn, đợi tôi ăn xong, bác mới mở phim ra coi chung. Bác vừa coi vừa hồ hởi kể đoạn này đoạn kia. Có nhân vật bác ghét bác chửi nó y như là chửi kẻ thù đang hại gia đình của bác vậy. Đoạn phim buồn thì bác khóc sụt sịt ước cả khăn giấy. Ngày nào hết phim coi thì bác mở cải lương. Cái tuồng gì có Kim Tử Long là bác mê nhất, coi đi coi lại. Tôi chẳng biết gì về cải lương, nhưng bác kể tên hết kép này đến kép kia tôi cũng gật gù ngồi nghe. Có vậy thôi mà có ngày 2 bác cháu ngồi tào lao cũng tới 1 giờ sáng.

Cuối tuần tôi hay chở bác đi khu Grand Century, hoặc Lion Plaza cho bác đi dạo hàng quán. Mua cái này, mua cái kia. Có ngày còn ghé qua Bình Minh mua lẩu dê về 2 bác cháu nhậu. Những ngày con bác nó rủ tôi đi chơi, thì bác buồn lắm. Người lớn tuổi thường rất cô đơn. Tôi là người thích sống cô đơn, nên tôi hiểu được sự cô đơn. Đối với người trẻ, cô đơn là sự lựa chọn. Nhưng đối với người già, cô đơn là một sự mất mát.

Mỗi lần tôi rủ con bác đi chơi chung với chúng tôi, nó từ chối. Tôi hỏi tại sao? Nó trả lời, "My mom làm me mắc cở lắm. Đi đến chổ đông người she acts so uncivilized. Ví dụ như she hay chen lấn, rồi la lối chổ đông người. Đến nhà hàng ăn she hay bốc tay rồi rớt đồ xã rác tùm lum. Bởi vậy me không dám đi chung với her." Tôi không biết nói sao. Bởi vì khi đi với bác Hai tôi không cảm nhận được những điều đó. Tôi chỉ thích vì bác là 1 người rất vui tính và rất tốt bụng . Đôi khi tôi ước đó là mẹ tôi. Nhìn thấy bà ngày ngày gói ghém từng miếng ăn cho con, mà tôi cảm nhận hết tình người mẹ. Tôi còn nhớ có bửa 2 bác cháu ghé vô tiệm mua bánh mì. Khách hàng trong tiệm lu bu mất trật tự, chẳng có hàng lối gì cả. Ai bon chen nhào vô trước thì mua trước. Bác Hai cũng nhào vô chen lấn chỉ để mua cho tôi 1 ổ bánh mì và 1 ly nước mía. Tôi hỏi sao bác không ăn? Bác nói bác già rồi sức đâu mà nhai bánh mì ba gét. Không có sức để nhai bánh mì ba gét vậy mà có sức để chen lấn mua cho tôi ổ bánh mì.

Từ bác Hai, tôi có cái nhìn độ lượng hơn với cuộc sống. Tôi biết nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh. Tôi biết tôi vẫn còn nhiều tuổi đời để học hỏi. Còn rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống tôi thật sự chưa biết và chưa cảm thông. Nhưng tôi biết một điều. Đó là tôi yêu Cali vô cùng, và chắc tôi sẽ không trở về FL nữa.

Những thành phố vùng Bay có rất đông người Việt. Nhưng tôi chỉ quen biết vài người, và cũng chẳng mấy ai biết tôi. Vì thế, tuy nó nhìn ồn ào và xô bồ, nhưng nó lại vô cùng yên tỉnh. Những khi đi tiểu bang khác, tôi không thích cái cảm giác người ở đó nhìn mình như là dân thiểu số. Mọi nhất cử nhất động của mình đều bị theo dõi coi mình hành động có khác họ không? Mình ăn mắm ăn nêm gì cũng phải ngó quanh xem hàng xóm có nhăn mặt hay không. Ở Cali vùng Bay, tôi hoàn toàn không phải lo lắng chuyện đó. T lớn lên ở tiểu bang này. Ông ấy có 1 nhóm bạn thân chơi chung từ lớp mẫu giáo. Cái đặc biệt là cả nhóm toàn Á Đông, và thằng nào cũng khoái ăn mắm và hiểu những từ lóng mà cha mẹ hay la mắng họ. Đi bất cứ nơi đâu, tiệm sách, nhà hàng, hoặc sở làm tôi cũng luôn luôn cảm giác như đang ở quê hương của mình. Có lẻ, tôi chọn Cali là quê hương cuối cùng, và chị tôi cũng chẳng hề hỏi tôi "khi nào về?" nữa.

Pensee