Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Hẹn Hò

::: Phạm Duy :::

Hẹn Hò
1954
Một người ngồi bên kia sông
im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây
trông hoa trôi theo nước chảy phương nào

Một người bèn ra ven sông
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
.....

con Bướm

Tôi lớn lên ở 1 vùng quê, không có nắng thiêu da, không có cát bay ngập trời, nhưng cũng có những cuộc đời cứ mãi quay mòng mòng trong những sự bại liệt bế tắc .


Nó tên là con Bướm . Người ta gọi nó là Bướm Bà . Chẳng hiểu tại sao . Có lẻ vì da nó đen . Nó thì gặp ai cũng nhe hàm răng đen thui ra cười . Cười như thể một gáo nước lạnh tạt thẳng vào người đối diện đang nhìn nó với những phán xét . Lòng người tuy chật nhưng lại rất rộng rãi cho những sự dèm pha về người khác . Đời vốn là thế . Và có lẻ con Bướm nó cũng vốn biết thế . Cặp mắt thông minh của nó tố cáo điều đó .

Nó sinh năm 1979. Bốn năm sau ngày ông dượng Chín - là ba nó đi học tập cải tạo . Con nít cả xóm tôi chưa đứa nào trông thấy mặt ông dượng Chín ra sao . Mà con nít thì đứa nào thèm để ý về những người khuất mặt và những câu chuyện khuất mặt để làm gì . Trừ những người lớn . Người lớn thì hay thích phân tích và mỗ xẽ, đôi khi những mỗ xẽ làm chết con người ta với những lý lẽ rất hợp lý và rất khoa học: "Ba nó đi năm 76 làm sao có nó ?" "Má nó đi buôn ở chợ gặp bao nhiêu là phường" "Mấy tay công an phường số 4 hay rà rà ở khu đó" "khuôn mặt nó nhìn thẳng, nhìn ngang gì cũng không giống ba/má anh em đứa nào hết" .... vân vân và vân vân .

Phải, chỉ cần người đàn bà gật nhẹ cái đầu, rồi chỉ cần người đàn ông chạm nhẹ vào người đàn bà, rồi thì chỉ cần 1 trong số 3 triệu cái tinh trùng có tới 24 tiếng đồng hồ nhẫn nha la cà rồi mới gặp cái trứng - là con Bướm hình thành . Nhưng người ta không biết rằng, tổng cộng có tới năm số phận . Năm số phận bị kiệt lụy trong cái vòng xoáy thị phi nghiệt ngã .

Má nó bán chè thập cẩm ở sạp số hai đầu chợ Nhỏ . Tinh mơ 4 giờ sáng người ta đã thấy bốn má con (má nó, hai thằng anh nó và nó) lục đục đẩy xe ra chợ . Trưa trưa người ta lại thấy nó xách mấy xâu cải chua người ta bán tháo với khuôn mặt hí hửng tung tăng về nhà . Hỏi: "Ê bướm, ăn cải nữa hả ?" Đáp: "Dạ, hôm nay nhà em được ăn cơm với cải . Không phải ăn muối ." Ngoài giờ học, hai thằng anh nó vác theo cái bao giấy đựng xi măng cũ men theo hai cái ống cống dọc con dốc, mắt láo liên, tay khều khều dưới những kẽ đá . Chẳng biết tụi nó lượm được gì chứa trong cái bao ấy . Thế là người ta đóng cửa . Đề phòng . Khép lòng, khép dạ .

Má con nó hiền lắm . Hiền hơn bột . Hiền hơn đất . Nếu thế gian có Phật hay Bụt hiện hữu, chắc sẽ dễ dàng hơn cho việc so sánh . Người ta nguýt, người ta nói xa nói gần, nói bóng gió xỏ xiên . Má nó cúi đầu . Hai thằng anh lẻo đẻo theo sau . Nó vẫn cười nhe hàm răng đen . Cam chịu .

Ngày nó khoảng năm tuổi thì ba nó về . Nó đi lên rừng nhặt củi . Tay ôm chặt bó củi khô, nó la cà ven xóm, gặp đứa nào, nó cũng khoe: "Ba tao về ."

Dĩ nhiên, nó có toàn quyền hãnh diện . Con nít trong xóm tò mò xúm lại theo nó về nhà . Ba nó ngồi trong nhà với nụ cười tươi . Da đen bóng . "Ồ, thì ra nó thật giống ba nó ." Con nít xầm xồ . Người lớn bĩu môi: "Giống đâu mà giống ." "Ổng về nuôi con người ta đó"

Ba nó nghe rồi im lặng . Ngày ngày năm bóng người vẫn lầm lũi đẩy chiếc xe chè qua xóm . Sáng đi rồi tối lại về . Lặng lờ như những chiếc bóng .

Pensee